Tham dự chương trình lễ làm việc và ký kết, về phía VNAS có ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc VNAS, bà Hà Thị Mai Hương, Giám đốc Ban dự án Đào tạo phát triển và cung ứng nguồn nhân lực hàng không cùng các cộng sự. Về phía Trường Đại học Vinh, có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Lê Công Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp; TS. Thái Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế; TS. Nguyễn Hữu Quyết, Phó Trưởng khoa SP. Ngoại ngữ; TS. Đặng Thị Thu, Trưởng phòng Công tác chính trị và Học sinh, sinh viên; Ths. Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp và đại diện các phòng ban chức năng liên quan.
Toàn cảnh chương trình làm việc
Ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VNAS giới thiệu về quá trình phát triển của VNAS
Công ty Cổ phần Đào tạo Huấn luyện nghiệp vụ Hàng không Việt Nam (VNAS) thành lập năm 2007. Hiện nay, VNAS có mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước, có khả năng cung cấp nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không như: Tiếp viên, An ninh, Nhân viên phục vụ mặt đất, Thợ bảo dưỡng máy bay….cho các hãng hàng không VietnamAirlines, Jetstar Pacific, Vietjet air, Bamboo Airways…Đặc biệt, với các chương trình đào tạo Phi công Quốc tế thông qua hợp tác với Học viện Hàng không Newcastle (Vương quốc Anh), New Zealand Aviation Academy, Sierra Academy, International Flight Academy…, có thể đáp ứng Quy chuẩn an toàn Hàng không về cơ sở huấn luyện và được phép hoạt động tổ chức huấn luyện bay.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng phát biểu tại buổi lễ
ThS. Lê Công Đức, Giám đốc Trung tâm DV,HTSV&QHDN thông qua dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác
Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã chia sẻ về những thành tựu đạt được của Nhà trường trong suốt chiều dài hơn 62 năm xây dựng và phát triển, là trường đại học trọng điểm quốc gia, có quy mô và vị thế hàng đầu trong số các trường đại học ở vùng Bắc Trung Bộ cũng như cả nước. Tuy nhiên, với tầm nhìn vươn ra thế giới, Nhà trường đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới từ công tác quản trị, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số cho đến điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo. Hiện nay, Nhà trường đã hoàn thiện việc thiết kế và triển khải chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO, chú trọng phát huy vai trò và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cả người dạy và người học, tăng cường đào tạo kỹ năng, dạy học dự án để đưa ‘hơi thở cuộc sống vào trong đào tạo” nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn với mục tiêu hướng tới là lọt vào top 500 trường đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030 và top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045”.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng và Ông Nguyễn Hải Phong chủ trì lễ ký kết
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng tặng quà lưu niệm cho đại diện VNAS
Ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty VNAS bày tỏ vinh dự được lần thứ hai trở lại thăm và làm việc với Trường Đại học Vinh. Đồng thời, chia sẻ những thành tựu, tiềm năng phát triển và nét đặc thù của ngành hàng không nói chung, của VNAS nói riêng với những thông tin hết sức thú vị và ý nghĩa cho định hướng hợp tác giữa hai bên trong đào tạo và cung ứng nhân lực hàng không, thực hiện sứ mệnh đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Ngay sau đó, lãnh đạo Trường Đại học Vinh và Công ty VNAS đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
1. Hợp tác trong lĩnh vực tuyển sinh, liên kết đào tạo nhân lực hàng không, cụ thể:
- Đào tạo tiếng Anh, tiếng Anh hàng không;
- Đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng thi tuyển nhân viên hàng không;
- Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp trong lĩnh vực hàng không;
- Đào tạo các chương trình ngắn hạn về hàng không.
2. Hợp tác kết nối và cung ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không:
- Phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, hội thảo, hội nghị nhằm tuyển chọn học viên và giới thiệu, tuyển dụng các vị trí việc làm trong lĩnh vực hàng không cho học sinh, sinh viên bên A và các đối tượng khác có nhu cầu;
- Phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp hàng không, trường đào tạo hàng không ở trong và ngoài nước triển khai chương trình đào tạo và cung ứng nhân lực hàng không chất lượng cao.
3. Bên B trao học bổng tài trợ và triển khai các chương trình hỗ trợ cho người học Bên A, bao gồm hỗ trợ sinh viên tiếp cận môi trường nghề nghiệp trong lĩnh vực hàng không.
4. Bên B tham gia đóng góp ý kiến cho bên A nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với định hướng hợp tác giữa Nhà trường - Doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
5. Hợp tác trong truyền thông và phát triển thương hiệu.
Bên A và Bên B cùng đẩy mạnh tổ chức truyền thông về các chương trình, nội dung, lĩnh vực mà hai bên hợp tác. Đồng thời, hỗ trợ nhau trong quảng bá và phát triển thương hiệu, phục vụ cho sự phát triển của mỗi bên.
6. Thực hiện các nội dung, chương trình hợp tác khác được pháp luật cho phép trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, phát huy tiềm năng, thế mạnh nhằm đem lại lợi ích hợp pháp cho mỗi bên.
Trung tâm DV,HTSV&QHDN