Hơn một tháng trên đất Xiêng Khoảng, từ những vùng đồi núi xa xôi của Mường Khăm, Mường Khun, Na Pa, Thặm Phà, đến những vùng trù phú như Phôn Sa Vẳn, trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi đã gặp những con người hiền hậu và mến khách. Họ đã đi cùng sinh viên Đại học Vinh trong suốt chiến dịch tình nguyện hè 2008 tại Lào.
1. Chung màu áo xanh
Trước khi tổ chức chiến dịch hơn 2 tháng, Trường Đại học Vinh đã có nhiều buổi làm việc với Sở Giáo dục Xiêng Khoảng, lập chương trình, kế hoạch tổ chức chương trình tình nguyện dạy tiếng Việt cho học sinh, giáo viên, cán bộ Lào. Dự kiến có khoảng 200 học sinh có nhu cầu học tiếng Việt để sang Việt Nam du học nên Đoàn trường đã “chiêu mộ” một đội hình tình nguyện gồm 30 sinh viên (15 sinh viên Việt và 15 sinh viên Lào đang học tập tại Trường), đêm ngày tập luyện cho ngày lên đường. Tất cả mọi phương tiện, tài liệu từ chăn, bạt, áo xanh, mũ tai bèo, giáo trình, phấn, bảng chữ cái… đều đã được chuẩn bị chu đáo. Ngày 30/6, toàn đội lên đường đến Xiêng Khoảng. Vượt một quãng đường đèo dốc gần 400 cây số, đến nơi, hơn 100 sinh viên Lào đã “tề chỉnh” đón Đoàn. Đội tình nguyện được thông báo một tin bất ngờ từ thầy Lốt Buasavan - Trưởng Phòng Kế hoạch, Đối ngoại của Sở giáo dục Xiêng Khoảng: “Hiện nay đã có gần 700 người đăng ký học, có thể sẽ tăng lên đến 1.000 người trong vài ngày nữa”. Chúng tôi giật thót mình, nhìn nhau khi chỉ có 15 sinh viên sẽ đứng lớp và 15 sinh viên Lào hỗ trợ. Làm sao chỉ với từng ấy “giáo viên” dạy được cho gần 1.000 học sinh, học viên? Mọi người đang xôn xao thì anh Trưởng đoàn đã nhanh chóng trấn tĩnh các chiến sĩ: “Nhân dân học đông chứng tỏ họ rất yêu quý, tin tưởng sinh viên tình nguyện. Bằng tất cả mọi cách, chúng ta phải tổ chức hết các lớp. Có thể trong vài ngày tới cần tăng thêm “quân chi viện” từ nhà trường…”. Chưa nói hết câu, rất nhiều cánh tay từ các lưu học sinh Lào đã giơ lên “Thầy ơi, em muốn được đi tình nguyện”, “Thầy cho em đi...". Và một kế hoạch mới đã được đưa ra: lập một đội SVTN dự bị gồm các chiến sĩ tình nguyện Lào. Đêm đó, hàng chục lá đơn tình nguyện đã được gửi tới đoàn. Các phương tiện, tài liệu chuẩn bị vốn rất đầy đủ nay trở nên thiếu thốn. Trước đó, mỗi SVTN được “trang bị” 2 chiếc áo xanh tình nguyện. Nay nhiều chiếc áo đã được san sẻ cho các chiến sĩ mới. Vui nhất là các “tân binh”, thật hãnh diện khi được khoác lên mình chiếc áo xanh, được là “sinh viên tình nguyện” ngay trên quê hương mình (Thời điểm đó ở Lào chưa có phong trào sinh viên tình nguyện). Đêm đó, các phòng nghỉ của Sở Giáo dục trở thành những lớp “tập huấn cấp tốc” cho các “tân binh”. Sáng ra, cả đoàn được Sở Giáo dục đón tiếp. Trước sân Tỉnh uỷ, mọi người lại cười nói râm ran, tay trong tay cùng hoà vào giai điệu rộn ràng của bài hát “Hà Nội - Viêng Chăn”...
2. Những học viên U50
Có hơn 400 cán bộ gồm công an, giáo viên, bộ đội, bác sĩ, cán bộ các cấp tại Xiêng Khoảng tham dự lớp học nên chúng tôi phải tổ chức đến 12 lớp dành cho học viên. Vui nhất có lẽ là lớp ở Sở Giáo dục. Các chú ở đây hầu như chú nào cũng biết nói một ít tiếng Việt. Giờ ra chơi, các chú thường vây quanh cô giáo để được trổ tài. Có lẽ chú Nulo là người dễ nhớ nhất bởi có cái đầu hói đặc biệt, lại hay phát biểu. Gặp từ xa, chú đã chào bằng một câu tiếng Nghệ: “Xin chào, bữa ni cô giáo đẹp quá!”. Chú UThay đã 46 tuổi nhưng lúc nào cũng hài hước nhất lớp: “Mình rất thích đi Cửa Lò, mình rất yêu cô giáo, cô giáo làm… em nuôi mình nhé!”. Cả lớp lại cười râm ran…
Phi Yến (tình nguyện tại Trường THPT Phôn sa vẳn) tâm sự: “Chưa có khi nào Yến dạy đúng giáo án, lên lớp liền là các chú cứ hỏi đủ chuyện, từ buôn bán cho đến ăn uống, chỗ đi du lịch”. Còn Cảnh Danh (đội Mường Khăm) phải hoa mắt khi có chú công an nằng nặc đòi học đếm số tiền trên một tỉ! Lương Văn Hà (đội Mường Khun) lại trở thành “chuyên gia ẩm thực” khi phải tường tận giải thích cho các chú về món cháo lươn - đặc sản của Nghệ An.
Vui là vậy, không ngờ các chú lúc học rất sôi nổi, hài hước kia cũng dễ mềm lòng đến thế. Ngày chia tay đội lên đường về nước, khi thấy SVTN và các em học sinh ôm nhau khóc, nhiều chú đứng cạnh cũng…khóc ngon lành! Có chú mới chia tay vài ngày đã liên tục gọi điện: “Cô giáo khoẻ không, nhớ cô giáo lắm!”…
3. …Và những người mẹ nhân hậu
Có lẽ tình cảm nhất vẫn là các mẹ. Khi đoàn vừa sang Xiêng Khoảng, các mẹ đã đến chờ sẵn cả tiếng đồng hồ để đón các con về ở nhà mình. Đến nhà, mẹ luôn sắp đặt cho SVTN chổ ở tốt nhất. Qua cử chỉ, mẹ hướng dẫn các con rất tỉ mỉ trong các sinh hoạt. SVTN nhanh chóng thích nghi với cách sống mới. Gặp việc gì, SVTN cũng gặng hỏi về cách sử dụng rồi ghi ghi chép chép. Thấy các con ham học hỏi quá, những lúc rảnh, các mẹ lại tận tình dạy các con về ngôn ngữ Lào, hướng dẫn về các món ăn, các phong tục văn hoá. Từ những cử chỉ nhỏ ấy, sau một thời gian ngắn, SVTN đã có thể nói được nhiều câu giao tiếp thông thường. Các mẹ cũng biết nói nhiều câu tiếng Việt.
Mai Hoa, Hải Yến trở thành người Lào chỉ sau một tuần! Cô Cam Phắc (hai SVTN trên ở trọ) đã tự tay mua vải và may cho mỗi người một bộ váy Lào thật đẹp để lên lớp. Chính sự kết hợp “Váy Lào + áo xanh tình nguyện” đã tạo nên màu sắc mới trên các bục giảng khiến các em học sinh rất thích thú, coi cô giáo như những người chị của mình.
Những ngày rảnh, SVTN lại tụ tập đến nhà các mẹ chơi. Địa điểm hay được chọn để họp nhất là nhà mẹ Bua Sa Vẳn. Mẹ từng học ở Bắc Thái từ những năm 67,68 nên có cảm tình đặc biệt với các SVTN. Nhà mẹ trở thành “câu lạc bộ” học ngoại ngữ của cả nhóm Phôn Sa Vẳn. Mà chưa hẳn chỉ cã học ngôn ngữ, những buổi nấu ăn các món Lào, Việt cũng thường diễn ra tại đây. Sau những buổi sum họp đầm ấm là những câu chuyện về Việt Nam. Mẹ sang Vinh, sang Cửa Lò và Quê Bác nhiều lần, nhưng chưa lần nào mẹ được trở lại mảnh đất đã từng cưu mang mẹ ngày trước. Một lần, mẹ nấu mãn ăn Lào mời SVTN, mẹ đang vui vẻ giới thiệu từng món, bổng mẹ dõng lại, rưng rưng nước mắt. Mọi người hốt hoảng không hiểu vì sao… Một hồi sau mới vỡ lẽ: hôm đó, có một bạn ở Đội Noọng HÐt lên thăm Đội Phôn Sa Vẳn và đến nhà mẹ chơi. Bạn ấy người Phú Yên nên khi vừa nghe giọng nói, mẹ đã sững người… Mẹ kể, khi mẹ học ở Bắc Thái, có một bạn học đã tình nguyện giúp mẹ học tiếng Việt. Bạn ấy tên Duyên người Bình Định. Sau đó hai người trở nên thân thiết nhau. Nhưng cuối năm 1967, khi đang học năm thứ Hai, bạn ấy đã xung phong ra tiền tuyến, và rồi đã hi sinh. Từ lâu lắm rồi, mẹ không được nghe giọng nói ấy… Đêm đó, bên mâm cơm, mẹ kể thật nhiều về cô Duyên, về những kỷ niệm ở Bắc Thái, mẹ hỏi nhiều về Bình Định và ao ước được đến đã một lần. Vài ngày sau, đến ngày 27/7, mẹ dậy sớm hơn mọi khi, chuẩn bị nhiều thứ để cùng SVTN đi dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Việt Lào. Mẹ đã đứng lặng thật lâu để tưởng nhớ một người bạn…
Còn nhiều những người mẹ hiền hậu, thương SVTN như con đẻ của mình. Trước ngày về, các mẹ lại tất bật nào là nặm chẻo, xà li, mạc teng, mạc chong, bò giàng chuẩn bị cho các con “vì các con đã ăn quen!”. Lễ Su Khoản - lễ buộc chỉ cổ tay cầu chúc may mắn, nhà các mẹ lại đông đúc những người anh em, họ hàng, có người cách 60 cây số cũng đến để tiễn sinh viên, họ coi SVTN như những thành viên của gia đình mình. Mẹ Sảy Sa Mãn (Phó Giám đốc Sở giáo dục Xiêng Khoảng) cùng hai con gái, mặc dù bị say xe nhưng đã đánh đường hơn 150 cây số để tiễn các con đến tận Cửa khẩu Nậm Kắn mới chịu quay về...
Chia tay Xiêng Khoảng, chúng tôi lên đường về nước tiếp tục một năm học mới. Nhưng những tình cảm của bà con nơi đây luôn là những kỷ niệm đẹp theo suốt hành trang của mỗi SVTN.
Lê Công Đức - ĐH Vinh