Tham gia chương trình, có đại diện lãnh đạo của 26 công ty, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trên toàn quốc như Hoa Sen Group, Unilever, SeABank, Prex Vinh, Oleco …; Về phía Trường Đại học Vinh, PGS.TS. Ngô Đình Phương, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy cô giáo là đại diện các phòng ban chức năng, các khoa đào tạo, các tổ chức đoàn thểhơn 1.000 sinh viên, cựu sinh viên. Cùng tham dự và đưa tin về chương trình còn có đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí: Đài PT-TH Nghệ An, Báo Điện tử Dân trí, báo Tiền Phong, báo Tuổi trẻ, báo Nghệ An.


PGS.TS. Ngô Đình Phương, Phó hiệu trưởng Nhà trường tặng quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng


ThS. Lê Công Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DV,HTSV&QHDN khai mạc chương trình


PGS.TS. Ngô Đình Phương phát biểu


Đông đủ đại biểu đại diện các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và các em sinh viên, cựu sinh viên tham dự chương trình

     Phát biếu khai mạc, PGS.TS. Ngô Đình Phương - Phó hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Từ năm 2015, các nguyên thủ quốc gia khối Asean đã ký Hiệp định Working net. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp có thể di chuyển đến làm việc ở các nước trong khối Asean. Vì vậy, các em sinh viên phải biết nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên, trong thế giới việc làm đầy biến động ngày nay, sinh viên thế kỷ 21 cần lưu ý là không thể chờ đến khi cầm bằng tốt nghiệp mới đi tìm kiếm việc làm. Các nhà tuyển dụng cũng không tự tìm đến chúng ta mà chúng ta phải chủ động tìm công việc phù hợp với mình”. Đặc biệt, Thầy Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, nhiều sinh viên Việt Nam đang chỉ học trong “những căn phòng đóng kín” mà không chịu “bung” mình ra thế giới việc làm bên ngoài. Các em từ chối những công việc làm thêm bán thời gian mà chỉ mơ đến những công việc ở các tập đoàn lớn với mức lương nghìn đô. “Các em phải chấp nhận làm từ những công việc đơn giản trước. Để rồi chuyển hóa từ chỗ mình là người đi tìm việc, đi làm bán thời gian, qua đó kỹ năng dần được hình thành, hoàn thiện. Sau một vài năm, công việc lại “tìm” mình. Điều đó thể hiện năng lực thực tế của cá nhân. Và khi đó, chúng ta mới nói đến chuyện thành công”.

     Chương trình Ngày hội việc làm được chia thành 2 phầnTư vấn chung Tư vấn chuyên sâu, phỏng vấn tuyển dụng với các nội dung: Tư vấn, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; Tư vấn tuyển cộng tác viên làm viêc bán thời gian; Tuyển tu nghiệp sinh Israel; Tư vấn, đăng ký tham gia lớp học tiếng Hàn, tiếng Nhật miễn phí. Ở phần Tư vấn chung, các chuyên gia, diễn giả cung cấp bức tranh về việc làm, xu hướng nghề nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viênHướng dẫn sinh viên về các kỹ năng tham gia ứng tuyển như: kỹ năng tìm việc, hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển, viết CV, phỏng vấn, đàm phán,…


PGS.TS. Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế chia sẻ cùng các bạn sinh viên

     Chia sẻ cùng các em sinh viên, PGS.TS Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa kinh tế Trường Đại học Vinh trao đổi và cung cấp những thông tin hết sức có ý nghĩa cho các bạn trẻ: Hiện nay, cả nước đang dư thừa đến hơn 1 triệu lao động, trong đó có trên 200.000 lao động đạt trình độ đại học và sau đại học. Con số lao động thất nghiệp riêng tại Nghệ An đang vào khoảng 30.000 người, lao động trẻ trong độ tuổi 15 - 34 chiếm đến 40%. Trong khi đó, tâm lý chung của các em là mong muốn có được việc làm ngay sau khi ra trường, thích làm việc ở công ty nổi tiếng và ước mơ được ra nước ngoài làm việc với mức lương cao hoặc đãi ngộ cao.  Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam có một “căn bệnh” thường gặp, đó là học và làm theo thói quen chứ chưa có kế hoạch, chưa có trách nhiệm và quyết tâm cao. Sinh viên còn thụ động trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, chưa mạnh dạn va chạm và chưa chuẩn bị tốt về các kỹ năng cứng cũng như kỹ năng mềm. Đồng thời, thầy cũng chỉ ra rằng, có một điểm chung không mong muốn nữa của sinh viên Việt Nam là ước mơ việc làm thì rất lớn, nhưng hầu hết đều không biết mình cần chuẩn bị những điều gì và chuẩn bị từ khi nào để có thể hiện thực hóa ước mơ đó. Thầy minh họa: “Các em muốn làm vận động viên bơi lội nhưng lại ngại xuống nước, hoặc chỉ xuống nước vào mùa hè thôi chứ mùa đông lạnh thì không muốn xuống. Như thế làm sao thành công được? Muốn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp thì phải linh hoạt, mạnh dạn”. Sinh viên muốn không bị thất nghiệp sau khi ra trường thì phải chuẩn bị tốt ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường các kiến thức về ngành nghề của mình, mở rộng ra các kiến thức chung về kinh tế - xã hội và rèn luyện tác phong làm việc, kỷ luật lao động tốt.


Diễn giả Trần Kim Việt, tấm gương sáng về hình ảnh vượt qua chính mình để lập nghiệp thành công

     Anh Trần Kim Việt, Giám đốc Vườn ươm Việt, là cựu sinh viên Trường Đại học Vinh, một tấm gương sáng về hình ảnh vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống để lập thân, lập nghiệp đã đem đến cho Ngày hội việc làm 2017 những trải nghiệm chân thực, sống động của bản thân trên con đường lập nghiệp. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại bị tàn tật, nhưng Việt đã không đầu hàng số phận bằng định hướng: “Không có con đường nào khác để đổi đời ngoài con đường học tập và trau dồi kiến thức”. Việt chia sẻ: “Sinh viên mới ra trường muốn làm khởi nghiệp thiếu nhất là hai thứ: Kinh nghiệm và vốn. Nhưng các bạn phải tâm niệm là cái gì lúc khởi đầu cũng khó khăn, không có gì dễ dàng cả”. Với Việt, “Đi làm thêm từ năm thứ nhất đại học, đăng ký học thêm ngành Công nghệ thông tin bên cạnh ngành chính là nông nghiệp, Việt từng trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải mượn của một thầy giáo trong trường 500.000 đồng mới đủ tiền mua chiếc máy tính cũ giá hơn 1 triệu đồng thời ấy để phục vụ việc học tập. Học xong đại học, anh quyết tâm học lên, sau khi tốt nghiệp cao học, Việt quyết định về quê mở công ty chuyên sản xuất cây giống và hỗ trợ bà con nông dân về công nghệ sinh học. Vốn không có, Việt làm dịch vụ để tích tiểu thành đại, làm từ việc nhỏ nhất trở đi. Anh cũng đi qua trên 30 tỉnh thành để học hỏi về sản xuất giống và các kinh nghiệm thực tế của nhà nông. Đến nay, Vườn ươm Việt đã tạo công ăn việc làm cho 13 lao động ổn định và 10 lao động thời vụ, mỗi năm xuất ra 30 vạn cây giống”


Anh Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp cho các bạn sinh viên

     Chia sẻ về khởi nghiệp, anh Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup đã đem đến những lời khuyên hết sức hữu ích. Với anh, có 4 yếu tố quan trọng mà người khởi nghiệp phải có: tư duy, vốn, sản phẩm tốt và kỹ năng quản trị. Anh cũng khuyến khích các bạn trẻ dám sáng tạo, dám thay đổi tư duy. Nhưng “phải định vị được mình là ai thì mới khởi nghiệp được, ảo tưởng về bản thân chắc chắn sẽ thất bại”, anh nhắc nhở các bạn sinh viên đang háo hức trước cái gọi là “cơn bão” khởi nghiệp ở Việt Nam.


Các doanh nghiệp phỏng vẩn các ứng viên, tuyển dụng trực tiếp 



Dù trời mưa to nhưng vẫn có hơn 1000 sinh viên đến tham gia chương trình



     Ở phần thứ hai, đại diện các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tiến hành tư vấn chuyên sâu theo ngành nghề và phỏng vấn các ứng viên ở các địa điểm khác nhau, như: Tại Hội trường A, các đơn vị giới thiệu về các vị trí tuyển dụng, tư vấn về kiến thức, kỹ năng để đảm nhận được công việc và tổ chức phỏng vấn tuyển dụng (Hoa Sen Group, Unilever, SeABank); tại Sảnh Hội trường là phần tư vấn, tuyển dụng của các đơn vị: Prex Vinh, FVF (Tập đoàn TH), Nissan, Suzuki, Vinh Ford, Ajinomoto, Vietravel, Vinh Guru, PhucGroup, Thaco, Vinh Media, Vinpearl, Tin học Nguyễn Linh, Công ty CNTT & Truyền thông Quốc Gia; tại sảnh Nhà A0 tiếp nhận hồ sơ, đăng ký học tiếng Hàn, tiếng Nhật miễn phí để đi làm việc tại Nhật Bản, tuyển cộng tác viên các chương trình làm việc bán thời gian; Tại Phòng họp A nhà A1 triển khai chương trình Thực tập sinh tại Israel.

     Chương trình Ngày hội việc làm lần thứ nhất năm 2017 đã được tổ chức thành công với gần 600 vị trí việc làm được giới thiệu, đã tạo cơ hội cho các cựu sinh viên tốt nghiệp, sinh viên năm cuối ứng tuyển vào những công việc mong muốn, phù hợp với ngành học và cả những kiến thức, kinh nghiệm hết sức quý báu cho những sinh viên khác, giúp các em có cái nhìn đầy đủ hơn về thế giới việc làm để chuẩn bị hành trang tốt cho con đường lập thân, lập nghiệp sau này. Mong rằng, Ngày hội việc làm tại Trường Đại học Vinh sẽ được tổ chức thường niên với sự đồng hành, tham gia tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng nhằm kết nối cung cầu giữa nhà sử dụng lao động và các sinh viên, cựu sinh viên Nhà trường.

                                                                                                Bài: Đoàn Minh, Ảnh: Ngọc Quyến.