Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số: 843/BGDĐT-HTQT ngày 24 tháng 02 năm 2012 về việc tổ chức các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012), Trường Đại học Vinh triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012 tại Trường, kế hoạch như sau:
 
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2012); cùng nhau ôn lại truyền thống liên minh chiến đấu, sự ủng hộ giúp đỡ chí tình, chí nghĩa giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong suốt những năm qua;
- Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lưu học sinh tại Trường Đại học Vinh;
- Tiếp tục xây dựng và vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời gian tới, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
 
2. Yêu cầu
- Tạo được bước chuyển biến quan trọng về nhận thức của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và học viên toàn trường về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; thấm nhuần sâu sắc hơn nữa ý nghĩa to lớn của việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong tình hình mới;
- Tạo phong trào thi đua rộng lớn với những hoạt động thiết thực, kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân các bộ tộc Lào anh em;
- Các hoạt động được triển khai an toàn, nghiêm túc, tránh lãng phí và theo kế hoạch đã được phê duyệt.
 
II. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tuyên truyền về quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào, quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào anh em; tuyên truyền về kết quả của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ IX và những thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước Lào hiện nay.
2. Tổ chức giao lưu, trao đổi đoàn công tác và tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Lào. Thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Vinh với các tỉnh, các Sở giáo dục và các cơ sở giáo dục tại Lào.
3. Làm tốt công tác giảng dạy, giáo dục và quản lý lưu học sinh Lào học tập tại Trường Đại học Vinh, giải quyết kịp thời các chế độ lưu học sinh được hưởng theo quy định hiện hành.
4. Tạo môi trường để lưu học sinh được tham gia các hoạt động chính trị do Tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt Lào tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh tổ chức; các phong trào Đoàn - Hội của sinh viên nhà trường.
5. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn của Nhân dân các bộ tộc Lào như Tết cổ truyền Boun Pymay (13 - 16/4), Ngày Quốc khánh (02/12)... và các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào theo kế hoạch.
6. Tổ chức các hoạt động tình nguyện của sinh viên Việt Nam giúp đỡ lưu học sinh trong học ngôn ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các hoạt động giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người của hai dân tộc cho học sinh, sinh viên hai nước.
7. Đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.
8. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với cán bộ nhà trường đã từng chiến đấu, công tác tại các chiến trường ở Lào trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
9. Vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp đang kinh doanh trên đất Lào và các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp xây dựng Quỹ học bổng nhằm khen thưởng, hỗ trợ các lưu học sinh Lào có thành tích học tập tốt, có nhiều đóng góp cho phong trào, lưu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt và các sinh viên Việt Nam có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ, hỗ trợ lưu học sinh học tập, sinh hoạt tốt.
 
III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Phòng Công tác Chính trị và học sinh sinh viên
- Chủ trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012. Lên bảng điện tử, in ấn băng rôl, áp phích và viết bài tuyên tuyền về công tác lưu học sinh lên website Trường, các báo đài trung ương và địa phương.
- Xây dựng, triển khai kế hoạch và tổ chức tổng kết các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào vào cuối năm 2012.
- Có các giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm nâng cao công tác quản lý, giáo dục lưu học sinh Lào học tập trại Trường Đại học Vinh.
- Phối hợp với Phòng Kế hoạch Tài chính thực hiện chế độ đối với lưu học sinh diện Hiệp định, diện Kết nghĩa…
- Tiếp tục hoàn thiện bộ phim “Đại học Vinh - mái trường mơ ước” - phim tài liệu về công tác lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Vinh giai đoạn 2003 - 2012.
- Phối hợp Sở Ngoại vụ Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt Lào tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt, giao lưu lưu học sinh Lào đang học tập tại Nghệ An, dự kiến diễn ra trong tháng 5 năm 2012. Phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân các bộ tộc Lào.
2. Phòng Hợp tác Quốc tế
Phối hợp với phía Bạn tổ chức các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An và của Trường Đại học Vinh, trong đó tập trung:
- Tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục tại Lào.
- Điều chỉnh, bổ sung các văn bản hợp tác, quy trình và thủ tục tuyển sinh, đón tiếp lưu học sinh sang học tập cũng như cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp quản lý giữa Trường Đại học Vinh và phía gửi đào tạo, gia đình lưu học sinh.
- Tham mưu Nhà trường đề xuất các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác đào tạo, quản lý lưu học sinh Lào thời gian qua để nhà trường biểu dương và đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng.
-  Thông báo và mời đại diện các đơn vị hợp tác đào tạo tại Lào tham dự các hoạt động của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào tại Trường Đại học Vinh.
- Triển khai khảo sát việc làm của lưu học sinh Lào tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh trong thời gian qua.
 
3. Trung tâm Phục vụ sinh viên
- Phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, thi phòng ở sạch, đẹp trong lưu học sinh. Quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt của lưu học sinh theo Nội quy nội trú. Đảm bảo môi trường nội trú yên tĩnh, văn minh, an toàn, cơ sở vật chất, điện, nước đầy đủ để lưu học sinh yên tâm học tập, rèn luyện.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Tết cổ truyền Boun Pymay và ngày Quốc khánh của lưu học sinh Lào đảm bảo trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục của nhân dân hai nước, tiết kiệm và an toàn.
- Tổ chức các chương trình hỗ trợ lưu học sinh.
 
4. Phòng Đào tạo
- Lên kế hoạch và chủ trì tổ chức Hội nghị học tốt cho lưu học sinh học tập tại Trường nhằm trang bị cho lưu học sinh phương pháp, kỹ năng học tập theo học chế tín chỉ.
- Có phương án bổ sung kiến thức, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho lưu học sinh, đặc biệt là lưu học sinh thuộc diện cảnh báo, lưu học sinh năm cuối còn nợ nhiều học phần…
 
5. Phòng Kế hoạch Tài chính
- Kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết kịp thời, đúng chế độ chính sách đối với lưu học sinh diện hưởng Học bổng Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào; Phối hợp với Sở Giáo dục Nghệ An giải quyết chế độ lưu học sinh diện Kết nghĩa giữa Tỉnh Nghệ An và các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôli Khămxay đang học tập tại Trường.
- Cấp kinh phí tổ chức các hoạt động năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012 tại Trường Đại học Vinh theo kế hoạch được Ban Giám hiệu duyệt.
 
6. Phòng Quản trị, Ban Quản lý các Dự án xây dựng, Phòng Quản lý Khoa học thiết bị
Khảo sát để sửa chữa các cơ sở vật chất phục vụ lưu học sinh đã hư hỏng, xuống cấp. Bổ sung, mua sắm mới các thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu theo cam kết với phía gửi đào tạo, kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của lưu học sinh.
7. Phòng Bảo vệ
Phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự trong khu vực trường, trong đó chú trọng khu vực sân vận động và Cổng số 3 (đường Phạm Kinh Vỹ).
 
8. Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên
- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên toàn trường (trong khuôn khổ chương trình của Ban Tuyên giáo Trung ương).
- Chỉ đạo các cơ sở tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc Tết và hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh kịp thời.
- Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên phối hợp với Trung tâm Phục vụ sinh viên tổ chức các hoạt động tình nguyện tại chỗ giúp đỡ lưu học sinh trong học tập, sinh hoạt, giao lưu văn hóa.
- Công đoàn và Ban quản lý dịch vụ chỉ đạo các ốt, quán trong trường hoạt động theo đúng quy định, không bán bia rượu và tổ chức các hoạt động gây mất trật tự trong khu vực trường.
 
9. Các khoa, các đơn vị liên quan
- Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, quản lý, giáo dục lưu học sinh. Kịp thời báo cáo tình hình lưu học sinh do đơn vị quản lý về Nhà trường (qua Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên) để phối hợp xử lý.
- Các đơn vị rà soát, báo cáo và có giải pháp giúp đỡ, giáo dục đối với những lưu học sinh học kém, lưu học sinh cá biệt, đặc biệt là các lưu học sinh đang học năm cuối hiện đang nợ nhiều học phần...
- Các khoa báo cáo bằng văn bản về kết quả học tập, rèn luyện, tiến độ học tập và các vấn đề khác liên quan từng lưu học sinh theo từng học kỳ lên Trường (qua Phòng Công tác chính trị và HSSV) để Nhà trường tổng hợp, thông báo cho phía gửi đào tạo.
- Giao cho các khoa tổ chức tốt chương trình tình nguyện “Bạn giúp bạn” giúp đỡ lưu học sinh với phương châm ít nhất mỗi lưu học sinh có 1 sinh viên Việt Nam kèm cặp, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập, rèn luyện. Các khoa cần nghiên cứu, học tập và nhân rộng mô hình tình nguyện giúp đỡ lưu học sinh của Câu lạc bộ Hoa Chăm-pa do Liên chi đoàn - Liên chi hội sinh viên khoa Kinh tế tổ chức.
 
Nhà trường yêu cầu thủ trưởng các đơn vị căn cứ kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.