Nội dung cơ bản của Đề án như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa, bảo đảm hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần xây dựng xã hội học tập.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a. Tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng được kiểm định.
b. Tất cả các chương trình đào tạo từ xa có đủ học liệu, thiết bị hỗ trợ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
c. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo từ xa đều được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về đào tạo từ xa.
d. Xây dựng một số cơ sở giáo dục nòng cốt cung cấp chương trình đào tạo từ xa; khuyến khích các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia cung cấp học liệu, công nghệ phục vụ đào tạo từ xa.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển đào tạo từ xa nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng và khuyến khích các cơ sở giáo dục áp dụng công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến:
a. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định đối với chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng, trong đó quy định rõ, cụ thể các tiêu chí bảo đảm chất lượng.
b. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đầu tư và sử dụng công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến để triển khai các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng.
2. Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ xa ngắn hạn, chương trình phổ biến kiến thức phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân:
a. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo từ xa đẩy mạnh tự chủ, đổi mới cơ chế hoạt động; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ đào tạo từ xa, công nghệ phát triển và sản xuất học liệu cho các cơ sở đào tạo từ xa trên phạm vi cả nước.
b. Đẩy mạnh, phát huy các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, chương trình phổ biến kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân ở các địa phương.
c. Chú trọng xây dựng và phát triển các chương trình, học liệu đào tạo từ xa các ngành, nghề, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu học tập đa dạng, suốt đời của người dân, xây dựng xã hội học tập.
d. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ phát thanh - truyền hình, phần mềm hỗ trợ phục vụ đào tạo từ xa. Khuyến khích các cơ sở giáo dục tham gia cung cấp học liệu phục vụ đào tạo từ xa.
3. Triển khai kiểm định các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng:
a. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên để triển khai thực hiện đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng.
b. Triển khai kiểm định đối với tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng đã được cấp phép. Khuyến khích các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo từ xa được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
4. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và giảng viên tham gia đào tạo từ xa:
a. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và các giáo viên, giảng viên làm công tác đào tạo từ xa.
b. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý về kỹ năng biên soạn nội dung, chương trình, thiết kế học liệu, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nghiệp vụ quản lý và tổ chức đào tạo từ xa.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo từ xa:
a. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong nước với các cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác chuyển giao công nghệ đào tạo từ xa, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về đào tạo từ xa phục vụ cho việc xây dựng xã hội học tập và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
b. Khai thác ứng dụng các mô hình trường đại học đào tạo trực tuyến của thế giới nhằm xây dựng và phát triển mô hình đào tạo trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
6. Tuyên truyền và quảng bá các thông tin liên quan đến Đề án và triển khai các nhiệm vụ của Đề án:
a. Triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư về các nội dung của Đề án.
b. Tổ chức các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế về đào tạo từ xa.
III. KINH PHÍ
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu từ:
1. Nguồn thu của các cơ sở giáo dục.
2. Nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
3. Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần và trực tiếp cho người học thuộc các đối tượng chính sách theo quy định.
Nội dung chi tiết ở file đính kèm: 1559qdttg10092015 de an chuan.doc